Tổng quan về Hoài Đức - quận mới của Hà Nội trong tương lai

Huyện Hoài Đức thuộc TP. Hà Nội, nằm trong vùng phát triển dịch vụ, giao dịch kinh tế tài chính của Hà Nội. Trên lộ trình lên quận theo chủ trương của TP. Hà Nội, Hoài Đức ngày càng được đầu tư đồng bộ, hiện đại, tạo nền tảng để thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.

Hoài Đức là một huyện của Hà Nội sắp được nâng cấp lên quận trong thời gian tới. Hãy cùng tìm hiểu những thông tin tổng quan về quận mới của Hà Nội trong tương lai này.

Địa danh Hoài Đức có từ năm 622 đời Đường, niên hiệu Vũ Đức do huyện Tống Bình tách ra làm 2 huyện: Hoài Đức và Giao Chỉ. Trải qua các thời kỳ lịch sử, sau nhiều lần chia tách, sáp nhập và thay đổi địa giới hành chính, Hoài Đức vẫn được nhắc đến như một vùng đất giàu truyền thống văn hiến.

Vị trí địa lý

Huyện Hoài Đức cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 12km, có vị trí địa lý như sau:

  • Phía Bắc giáp huyện Đan Phượng
  • Phía Tây giáp huyện Quốc Oai và huyện Phúc Thọ với ranh giới là sông Đáy
  • Phía Nam giáp quận Hà Đông
  • Phía Đông giáp quận Bắc Từ Liêm và quận Nam Từ Liêm

Vị trí huyện Hoài Đức trên Google Maps
Vị trí huyện Hoài Đức trên Google Maps.

Địa hình Hoài Đức tương đối bằng phẳng. Ở phía Tây huyện có sông Đáy chảy qua, tạo thành ranh giới với các huyện Quốc Oai và Phú Thọ.

Hành chính

Hoài Đức có diện tích 84,93km2. Theo số liệu thống kê năm 2019, dân số Hoài Đức là 262.943 người, trong đó có 9% dân số theo đạo Thiên Chúa. Hiện Hoài Đức có 20 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 1 thị trấn Trạm Trôi (huyện lỵ) và 19 xã: Yên Sở, Vân Côn, Vân Canh, Tiền Yên, Song Phương, Sơn Đồng, Minh Khai, Lại Yên, La Phù, Kim Chung, Dương Liễu, Đức Thượng, Đức Giang, Đông La, Di Trạch, Đắc Sở, Cát Quế, An Thượng, An Khánh.

Giao thông

Hoài Đức có nhiều tuyến đường huyết mạch chạy qua như Đại lộ Thăng Long, quốc lộ 32, trục đường khu Tây Thăng Long, quốc lộ 70 nối từ Nhổn tới đại lộ Thăng Long, tỉnh lộ 422, tỉnh lộ 423 hay đường Đê Tả Đáy 7m thảm nhựa. Các tuyến đường liên huyện gồm: Sơn Đồng – Song Phương, Lại Yên – An Khánh, Lại Yên – Vân Canh, Lại Yên – Tiền Yên, Song Phương – Vân Côn, Sơn Đồng – Đắc Sở - Tiền Yên, Dương Liễu – Đức Thượng, Dương Liễu – Minh Khai. Ngoài ra còn có nhiều tuyến đường, phố khác như đường Vạn Xuân, phố Thú Y, đường Dương Nội, đường Bắc Lai Xá, đường Kim Chung, đường Di Ái…

quốc lộ 32
Quốc lộ 32 đoạn qua địa bàn huyện Hoài Đức.

Hoài Đức đang triển khai xây dựng thêm nhiều tuyến đường vành đai như vành đai 3.5, đường liên khu vực 1, liên khu vực 7, liên khu vực 8, đường Lại Yên – Vân Canh…

Dự kiến sẽ có các tuyến đường sắt đi qua địa bàn huyện như tuyến số 3 (Sơn Tây – Nhổn – Yên Sở), tuyến số 5 (Hồ Tây – Hòa Lạc), tuyến số 6 (Nội Bài – Ngọc Hồi), tuyến số 7 (Mê Linh – Ngọc Hồi) và tuyến số 8 (An Khánh – Dương Xá).

Các tuyến xe buýt đang hoạt động:

  • 19 (Trần Khánh Dư - Học viện Chính sách và Phát triển)
  • 20A (Cầu Giấy - Bến xe Sơn Tây)
  • 29 (Bến xe Giáp Bát - Tân Lập)
  • 50 (Long Biên - KĐT Vân Canh)
  • 57 (Bến xe Nam Thăng Long - KCN Phú Nghĩa)
  • 66 (Bến xe Yên Nghĩa - Bến xe Phùng)
  • 74 (Bến xe Mỹ Đình - Xuân Khanh)
  • 87 (Bến xe Mỹ Đình - Quốc Oai - Xuân Mai)
  • 88 (Bến xe Mỹ Đình - Hòa Lạc - Xuân Mai)
  • 89 (Bến xe Yên Nghĩa - Bến xe Sơn Tây)
  • 92 (Nhổn - Sơn Tây - Tây Đằng)
  • 97 (Hoài Đức - Công viên Nghĩa Đô)
  • 107 (Bến xe Kim Mã - LVHDL các dân tộc Việt Nam)
  • CNG01 (Bến xe Mỹ Đình - Bến xe Sơn Tây)
  • CNG07 (Bến xe Yên Nghĩa - Hoài Đức)

Làng nghề

Huyện có 54 làng cổ truyền thống, 12 làng nghề và nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị, trong đó phải kể đến 81 di tích đã được Nhà nước xếp hạng cấp Quốc gia và cấp Thành phố.

Hoài Đức có 12 làng nghề truyền thống:

  • Làng nghề chế biến Lương thực thực phẩm Lưu Xá ở Đức Giang
  • Làng nghề Bún bánh Cao Xá Hạ ở Đức Giang
  • Làng nghề điêu khắc mỹ nghệ ở Sơn Đồng
  • Làng nghề bánh kẹo – dệt kim ở La Phù
  • Làng nghề chế biến nông sản thực phẩm ở Minh Khai
  • Làng nghề chế biến nông sản thực phẩm ở Dương Liễu
  • Làng nghề chế biến nông sản thực phẩm ở Cát Quế
  • Làng nghề Nhiếp ảnh truyền thống thôn Lai Xá ở Kim Chung
  • Làng nghề Bánh đa nem Ngự Câu ở An Thượng
  • Làng nghề xây dựng, chế biến nông sản ở Yên Sở
  • Làng nghề cơ khí, mộc dân dụng, mỹ nghệ Đại Tự ở Kim Chung
  • Làng nghề dệt may, chế biến nông lâm sản Đồng Nhân ở Đông La

Giáo dục

Hệ đại học

  • Đại học Thành đô

Các trường khối Trung học Phổ thông

  • Trường Trung học phổ thông Hoài Đức A (xã Kim Chung)
  • Trường Trung học phổ thông Hoài Đức B (xã An Khánh)
  • Trường Trung học phổ thông Hoài Đức C (xã Song Phương)
  • Trường Trung học phổ thông Vạn Xuân - Hoài Đức (xã Cát Quế)
  • Trường PTDL Bình Minh (gồm cơ sở 1 tại xã Đức Thượng và cơ sở 2 tại xã An Khánh)
  • Trung tâm giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp huyện Hoài Đức (xã An Khánh và Xã Kim Chung)

Các trường khối Trung học cơ sở

  • Trường Trung học cơ sở thị trấn Trạm Trôi
  • Trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Huyên
  • Trường Trung học cơ sở An Khánh
  • Trường Trung học cơ sở An Thượng
  • Trường Trung học cơ sở Cát Quế A
  • Trường Trung học cơ sở Cát Quế B
  • Trường Trung học cơ sở Di Trạch
  • Trường Trung học cơ sở Dương Liễu
  • Trường Trung học cơ sở Đắc Sở
  • Trường Trung học cơ sở Đông La
  • Trường Trung học cơ sở Đức Giang
  • Trường Trung học cơ sở Đức Thượng
  • Trường Trung học cơ sở Kim Chung
  • Trường Trung học cơ sở La Phù
  • Trường Trung học cơ sở Lại Yên
  • Trường Trung học cơ sở Minh Khai
  • Trường Trung học cơ sở Song Phương
  • Trường Trung học cơ sở Sơn Đồng
  • Trường Trung học cơ sở Tiền Yên
  • Trường Trung học cơ sở Vân Canh
  • Trường Trung học cơ sở Vân Côn
  • Trường Trung học cơ sở Yên Sở

Khối trường tiểu học:

  • Trường Tiểu học Thị trấn Trạm Trôi
  • Trường Tiểu học An Khánh A
  • Trường Tiểu học An Khánh B
  • Trường Tiểu học An Thượng A
  • Trường Tiểu học An Thượng B
  • Trường Tiểu học dân lập Bình Minh
  • Trường Tiểu học Cát Quế A
  • Trường Tiểu học Cát Quế B
  • Trường Tiểu học Di Trạch
  • Trường Tiểu học Dương Liễu A
  • Trường Tiểu học Dương Liễu B
  • Trường Tiểu học Đắc Sở
  • Trường Tiểu học Đông La
  • Trường Tiểu học Đức Giang
  • Trường Tiểu học Đức Thượng
  • Trường Tiểu học Kim Chung A
  • Trường Tiểu học La Phù
  • Trường Tiểu học Lại Yên
  • Trường Tiểu học Minh Khai
  • Trường Tiểu học Song Phương
  • Trường Tiểu học Sơn Đồng
  • Trường Tiểu học Tiền Yên
  • Trường Tiểu học Vân Canh
  • Trường Tiểu học Vân Côn
  • Trường Tiểu học Yên Sở

Y tế

Trung tâm y tế huyện Hoài Đức là bệnh viện công lập hạng 3 tại Hà Nội, tọa lạc tại xã Đức Giang, huyện Hoài Đức. Đây là nơi thực hiện thăm khám với các chuyên khoa chính: Khoa Hồi sức – cấp cứu, khoa Ngoại tổng hợp, khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản, khoa Nội tổng hợp, khoa Nhi, khoa Truyền nhiễm, khoa Y học cổ truyền và phục hồi chức năng, khoa Khám bệnh, khoa Xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh.

Bệnh viện đa khoa Hoài Đức là bệnh viện công lập hạng 2, tọa lạc tại thôn Lũng Kênh, xã Đức Giang, huyện Hoài Đức. Đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ khám – chữa nội, ngoại trú cho bệnh nhân trong khu vực và quận, huyện lân cận. Các chuyên khoa: Khoa Ngoại, khoa Sản, khoa Xét nghiệm, khoa Dược, khoa Khám bệnh, khoa Hồi sức cấp cứu, khoa Nội, khoa Nhi, khoa Tim mạch lão học, khoa Truyền nhiễm, khoa Đông y…

Ngoài ra còn có các phòng khám đa khoa, chuyên khoa tư nhân và trạm y tế các xã.

Phát triển đô thị

Hoài Đức trước đó được định hướng lên quận từ năm 2020 nhưng do chưa đạt các tiêu chí nên phải lùi thời gian đến cuối năm 2021 hoặc 2022. Đến nay, thực hiện đề án phát triển lên quận, Hoài Đức đã tập trung làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch nhằm triển khai một số dự án hạ tầng căn bản như: xây dựng 8 tuyến đường giao thông khung với chiều dài 40,52km, xây dựng 9 tuyến đường trục chính, đường bao các khu dân cư với chiều dài 16km, xây dựng 18 trường học đạt chuẩn quốc gia, xây dựng 15 bãi trung chuyển rác thải, nâng cấp 16 trạm y tế. 100% số xã/ thị trấn có hệ thống cung cấp nước sạch, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 90%. Như vậy, Hoài Đức đã đạt 22/27 tiêu chí để được nâng cấp lên quận, trong đó đạt 5/6 tiêu chí về phát triển kinh tế -xã hội, 17/21 tiêu chí về phát triển hạ tầng. Còn 5 tiêu chí khó chưa đạt được như: mật độ đường giao thông, đất cây xanh công cộng, cơ sở y tế cấp đô thị, cân đối thu chi ngân sách, tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý. Cán bộ, doanh nghiệp và người dân địa phương đã và đang tập trung triển khai hoàn thành 5 tiêu chí này. Trong đó, lãnh đạo UBND huyện đã chỉ đạo doanh nghiệp thi công các dự án làm đường giao thông, xây dựng cụm công nghiệp, rà soát thu chi ngân sách, thu hút doanh nghiệp, tiểu thương vào kinh doanh trong trung tâm thương mại. Hoài Đức cũng đã thu hút một số dự án thương mại du lịch lớn như: cảng cạn ICD Đức Thượng, trung tâm thương mại tại thị trấn Trạm Trôi.

Cùng với đó, nhiều khu đô thị tại Hoài Đức đang được xin điều chỉnh quy hoạch chuẩn bị cho chiến dịch mới, có thể kể đến như khu đô thị Kim Chung – Di Trạch sau thời gian “chết lâm sàng” cả thập kỷ đang được xây dựng rầm rộ. UBND thành phố Hà Nội cũng đã có quyết định về việc lập quy hoạch Khu đô thị dầu khí Đức Giang, tỷ lệ 1/500, quy mô 67,68 ha tại xã Đức Giang và thị trấn Trạm Trôi.

Trên địa bàn huyện Hoài Đức đã và đang hình thành một số khu đô thị cao cấp như: khu đô thị Vinhomes Thăng Long, khu đô thị Bắc An Khánh, khu đô thị Nam An Khánh, khu đô thị Bắc Quốc lộ 32, khu đô thị Vân Canh, dự án Nam Quốc lộ 32, khu đô thị An Khánh – An Thượng, khu đô thị An Thạnh, khu đô thị Mai Linh – Đông Đô, khu đô thị Hinode Royal Park, khu đô thị Sơn Đồng, khu đô thị Tây Đô, khu đô thị Dầu khi An Thượng, khu đô thị Dầu khí Đức Giang. Công viên Thiên đường Bảo Sơn nằm trên đường Lê Trọng Tấn thuộc địa phận huyện Hoài Đức.

biệt thự Vinhomes Thăng Long
Nhà mẫu biệt thự song lập thuộc khu đô thị Vinhomes Thăng Long.

Tình hình thị trường bất động sản huyện Hoài Đức

Hoài Đức là huyện trong quy hoạch theo hướng phi nông nghiệp của thủ đô Hà Nội, thuộc khu phát triển dịch vụ, giao dịch kinh tế tài chính. Hiện nay, huyện Hoài Đức đã có nền tảng tốt về cơ sở hạ tầng, các tuyến đường lớn được chú trọng, trong đó có đường sắt đô thị trên cao, trục đường Đại lộ Thăng Long, quốc lộ 32… đáp ứng nhu cầu giao thương, kết nối của người dân. Khu vực này dần hình thành trung tâm mới của thủ đô, chỉ cách vành đai 3, quận Cầu Giấy khoảng 10km.

Vài năm trở lại đây, huyện Hoài Đức trở thành tâm điểm của phân khúc căn hộ bình dân với sự xuất hiện của loạt dự án như The Golden An Khánh, Gemek Premium,  Tân Việt Tower, Tricon Towers, XP HOMES Tân Tây Đô, Gemek Tower, Thăng Long Victory, Chung cư XP Homes Star, Bộ tư lệnh Cảnh Vệ, Đông La Residence. Dù các dự án này đều ở xa trung tâm thành phố nhưng các đợt mở bán đều thu hút sự quan tâm của người mua ở thực và nhà đầu tư trước bối cảnh quỹ đất khu vực nội đô trở nên khan hiếm, giá bất động sản tăng cao, đồng thời khu vực phía Tây Hà Nội, trong đó có Hoài Đức đã và đang được đầu tư toàn diện, từ cơ sở hạ tầng cho đến các dự án bất động sản. Song hành với sự tăng nhiệt của phân khúc căn hộ giá rẻ, đất nền khu vực Hoài Đức cũng thu hút lượng lớn người quan tâm bởi số tiền chỉ bằng giá trị căn hộ bình dân, khách hàng có thể sở hữu lô đất và tự chủ trong việc xây nhà.

Trên thực tế, ở Hoài Đức, đất thổ cư vẫn là lựa chọn của nhiều người khi có nhu cầu sinh sống tại Hoài Đức và là phân khúc chịu nhiều ảnh hưởng bởi thông tin lên quận nhất. Giai đoạn 2011-2014, đất nền Hoài Đức từng lên cơn sốt trước thông tin lên quận. Thời điểm đó, một số lô đất được đẩy giá lên 40-50 triệu đồng/m2. Khi cơn sốt đi qua, thị trường chững lại giá đất lao dốc không phanh chỉ còn 10-15 triệu đồng/m2 khiến không ít người lao đao. Đến cuối năm 2018, thị trường nhà đất Hoài Đức lại dậy sóng trước thông tin Hoài Đức lên quận vào năm 2020. “Đất nền Hoài Đức” trở thành cụm từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất hai quý cuối năm 2018, nhiều nhà đầu tư tham gia vào thị trường Hoài Đức, đẩy giá đất nơi đây tăng trở lại. Thời điểm đó, đất ở những khu vực có cơ sở hạ tầng tốt có giá chào bán từ 30-50 triệu đồng/m2 tùy vị trí. Khu vực dọc quốc lộ 32 có mức giá cao nhất tại Hoài Đức, giá đất tại một số nơi ở xã Kim Chung được rao bán với giá từ 100 triệu đồng trở lên, thậm chí đất mặt tiền ở thị trấn Trạm Trôi được chào giá lên tới 120-130 triệu đồng/m2, cao gấp rưỡi thời điểm cuối năm 2017. Một phần là do khu vực này được đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, có nhiều khu đô thị mọc lên. Tuy nhiên, đáng chú ý là giao dịch thực không nhiều mà mua bán chủ yếu qua lại giữa các nhà đầu cơ. Từ cơn sốt hồi đầu năm 2021, đất thổ cư trong dân dù có diện tích nhỏ cũng đã thiết lập mặt bằng giá mới. Đơn cử, tại khu vực xã Kim Chung -  Di Trạch, đất đấu giá khoảng 55-60 triệu đồng/m2, xã Đức Thượng, giá từ 50-55 triệu đồng/m2.

Đề án lên quận kéo theo hàng loạt dự án giao thông được đầu tư sẽ nâng tầm bất động sản Hoài Đức hơn nữa. Tuy nhiên, thực tế thì quy hoạch lên quận đã có từ nhiều năm trước và huyện Hoài Đức vẫn còn thiếu 5 tiêu chí để lên quận. Vì thế, với người mua ở thực hay đầu tư thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là tính pháp lý của sản phẩm, điều kiện hạ tầng giao thông, kỹ thuật, xã hội của khu vực có phát triển hay không.

Khánh An (tổng hợp)