Thông tin Sở Xây dựng TP HCM có ý kiến rà soát quy hoạch xây dựng đối với 442 khu đất dự kiến làm dự án nhà ở thương mại (NƠTM) theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết 171/2024/QH15 (Nghị quyết 171) của Quốc hội đã thu hút sự quan tâm của thị trường.
Bản chất của Nghị định 171 về thí điểm thực hiện dự án NƠTM thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, nhằm tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến những dự án bất động sản đang còn tồn đọng do gặp khó về pháp lý; khó khăn ở các dự án chưa thể ra sổ; dự án liên quan đến đất bị thu hồi. Nghị quyết cũng mở ra cơ hội gỡ vướng cho những dự án là tài sản tịch thu liên quan đến các vụ án…, khơi thông nguồn cung cho thị trường bất động sản. Đây là nghị quyết mang tính thí điểm, không thay đổi luật nhưng điều chỉnh một số cơ chế, cho phép địa phương xử lý linh hoạt trong những bối cảnh đặc thù.
Khi các dự án được gỡ vướng, tạo một cơ chế thông thoáng để tiếp tục triển khai sẽ góp phần tăng nguồn cung cho thị trường, hợp pháp hóa một lượng lớn sản phẩm nhà đất. Từ đó thúc đẩy giao dịch, tăng cơ hội cho người dân có thêm sự lựa chọn về nhà ở.
Với TP HCM, việc quy hoạch đối với 442 khu đất dự kiến làm dự án NƠTM theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết 171, nếu triển khai được sẽ tạo chuyển biến mới cho thị trường. Theo đó, những khu đất phù hợp với quy hoạch, chưa sử dụng đến hoặc thuộc dự án đã được phê duyệt, sẽ được xử lý nhanh hơn; linh hoạt, tạo điều kiện để triển khai nhanh hơn, từ đó tăng nguồn cung nhà ở.
Tuy nhiên, bài toàn đối với nguồn cung và giá thành của NƠTM lại đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ hơn. Cụ thể là vấn đề về quy hoạch quỹ đất, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp và triển vọng triển khai các dự án. Ngay với Luật Đất đai mới được ban hành và có hiệu lực cũng đang phát sinh một số vướng mắc; cộng thêm giá NƠTM được chủ đầu tư dự án định theo thị trường, dựa trên chi phí đầu vào trong bối cảnh giá đất, giá vật liệu xây dựng đang ở mức cao. Nói ra để thấy, muốn kéo giảm mặt bằng giá NƠTM, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố đòi hỏi sự phối hợp của nhiều bên.
Ở TP HCM, thu nhập bình quân đầu người khoảng 4.000-6.000 USD là cao, nhưng chi phí sinh hoạt cũng không rẻ khiến khả năng tiếp cận nhà ở vẫn hạn chế.
Trong bối cảnh này, để người dân tiếp cận nhà ở dễ hơn, cần hỗ trợ từ cả hai phía. Về phía Nhà nước, cần xử lý các vấn đề về cơ chế, chính sách, thuế, phí để tạo điều kiện cho chủ đầu tư. Còn với người dân, cần chính sách hỗ trợ về vốn vay, lãi suất. Những giải pháp này chắc chắn sẽ giúp người dân, nhất là những người có thu nhập trung bình dễ hơn trong việc tiếp cận nhà ở, ổn định cuộc sống.