MB88
VT88

Sau nhà phố, biệt thự đến lượt đất nền phía Tây TPHCM chạy đua bung hàng, cả thị trường địa ốc đang sợ lỡ nhịp “sóng” mạnh nhất năm 2025?

Đúng như dự đoán trước đó, việc sáp nhập tỉnh, thành trở thành động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội và thị trường bất động sản tại các địa phương. Đối với doanh nghiệp, đây là cơ hội khó bỏ lỡ để “đi trước đón đầu” trong thế vận mới của thị trường địa ốc.

Đến lượt đất nền sợ lỡ nhịp "sóng"

Ngay khi vừa mới vận hành bộ máy chính quyền Tây Ninh (sáp nhập Long An – Tây Ninh), thị trường bất động sản phía Tây Tp.HCM đã có tín hiệu rục rịch nguồn cung gây chú ý.

Sau loại hình nhà phố, biệt thự, villa quy mô hàng trăm héc-ta của các CĐT như Vinhomes, Nam Long, Ecopark, Bim Group, Prodezi... chào thị trường thì nay đến lượt phân khúc đất nền bung hàng "đón sóng" sáp nhập. Động thái các doanh nghiệp cùng lúc giới thiệu, mở bán, kí kết dự án tại một giai đoạn đặc biệt của thị trường bất động sản cho thấy, các bên đang sợ lỡ nhịp đua mạnh nhất trong năm 2025.

Ngày 3/7, Tập đoàn Solia và CASA Holdings đã giới thiệu dự án khu đô thị The Solia tại mặt tiền đường Vành đai 4 (ĐT830), huyện Bến Lức, Long An (nay là xã Bến Lức, Tây Ninh) ra thị trường. Dự án có quy mô 20,5 ha, đã sẵn sổ đỏ từng nền, với tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng, cung cấp ra thị trường 998 nền đất với giá dự kiến dao động từ 25–30 triệu đồng/m2.

Trước đó không lâu, tại Cần Giuộc, dự án The 826EC quy mô hơn 15ha của chủ đầu tư Hai Thành đã chào bán hơn 200 nền đất thổ cư với giá từ 35 triệu đồng/m2, ghi nhận giao dịch khá ổn.

Không "lỡ nhịp sóng" sáp nhập, cùng khu vực, dự án đất nền Saigon Riverpark liên tục tổ chức các sự kiện nội bộ để chào bán các sản phẩm còn lại ra thị trường. Đồng thời, giá thứ cấp của dự án này ghi nhận tăng trên dưới 10% so với giá thời điểm cuối năm 2024.

Ngoài ra, các dự án như King Hill Residences Long An, The Sky Riverside, KDC Phước Đông Garden, Saigon Fortune Long An, Long Cang River Park, Khu dân cư Rạng Đông, Khu dân cư đô thị Phường 3, Phước Đông New City...cũng tận dụng thời điểm này để "khuấy động" nhu cầu thứ cấp.

Sau nhà phố, biệt thự đến lượt đất nền phía Tây TPHCM chạy đua bung hàng, cả thị trường địa ốc đang sợ lỡ nhịp “sóng” mạnh nhất năm 2025?

Đất nền khu Tây bắt đầu vào "guồng" tăng tốc 6 tháng cuối năm. Ảnh: minh hoạ

Nếu nhà phố, biệt thự "dậy sóng" thị trường phía Tây Tp.HCM với quy mô lớn từ 100 đến 400ha thì nguồn cung đất nền quy mô vừa và nhỏ (10-20ha) đang góp phần đa sắc màu và sự lựa chọn cho thị trường nơi đây.

Ghi nhận cho thấy, mặc dù sức cầu chưa bùng nổ, song động thái của các doanh nghiệp bất động sản thể hiện tâm thế sẵn sàng bắt nhịp ở giai đoạn đầu sáp nhập. Cơ hội "đi trước đón đầu" của doanh nghiệp là rõ thấy khi thị trường đang hội tụ nhiều yếu tố tích cực cùng lúc.

Theo chia sẻ của đại diện doanh nghiệp đang bán dự án tại phía Tây Tp.HCM, đây là giai đoạn "bước ngoặt" của thị trường. Vì thế, việc doanh nghiệp chọn "điểm rơi" để bung hàng đã được tính toán trước đó. Nền tảng sáp nhập Tây Ninh - Long An không chỉ thuần về mặt hành chính mà với không gian rộng hơn 8.500 km2, dân số hơn 3,3 triệu người sẽ là cơ hội rất lớn cho thị trường bất động sản trong tương lai.

Tận dụng sức nóng về hạ tầng

Bên cạnh không để lỡ nhịp sóng sáp nhập, các doanh nghiệp địa ốc cũng tận dụng sức nóng hạ tầng khu vực để đưa sản phẩm ra thị trường ở giai đoạn này. Gần như, cả doanh nghiệp lẫn người mua đang sợ lỡ nhịp "sóng" mạnh nhất năm 2025. Theo đó, họ vào thị trường với tâm thế sẵn sàng cho một giai đoạn gần như đặc biệt nhất từ trước đến nay.

Thực tế, trước khi sáp nhập, Long An vốn là khu vực có lợi thế phát triển về công nghiệp, hạ tầng giao thông và các dự án khu đô thị quy mô lớn. Trong khi, Tây Ninh có tiềm năng về phát triển du lịch. Cả Tây Ninh và Long An đều có vị trí tiếp giáp TP.HCM và biên giới Campuchia. Do đó, khi về "chung nhà" sẽ tạo ra nhiều cơ hội đầu tư mới trong các lĩnh vực như nhà ở, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dịch vụ và du lịch là điều đã được dự báo trước đó.

Cùng với hạ tầng đang được đầu tư đồng bộ là cơ sở để khu vực này trở thành trung tâm giao thương, sản xuất, dịch vụ mới, với năng lực cạnh tranh cao.

Trong đó, Vành đai 3 dài hơn 76km, đi qua TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An, đang được đẩy mạnh thi công, dự kiến sẽ hoàn thành và thông xe trong năm 2026. Vành đai 4 TP.HCM, đoạn qua Long An đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Đoạn tuyến dài khoảng 40 km, đi qua các huyện Đức Hòa, Bến Lức và Cần Đước, khi hoàn thành sẽ ngắn thời gian di chuyển từ Long An (nay là Tây Ninh) vào trung tâm TP.HCM và đi các tỉnh lân cận

Mới đây, "siêu nút giao" Mỹ Yên – công trình tại Bến Lức (Long An) kết nối 3 tuyến đường cao tốc trọng điểm là TP.HCM - Trung Lương, Bến Lức - Long Thành và đường Vành đai 3 đang dần về đích, trở thành điểm nhấn hạ tầng cho phía Tây Tp.HCM.

Theo đó, nút giao Mỹ Yên có tổng mức đầu tư khoảng 115.000 tỷ đồng, được gọi là ví như "nút thắt vàng" trong bản đồ hạ tầng phía Nam. Khi hoàn thành, nút giao không chỉ giải tỏa áp lực cho QL1A mà còn được kỳ vọng trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội và bất động sản khu vực phía Tây TP.HCM.

Ngoài các tuyến vành đai, Tây Ninh mới còn sở hữu mạng lưới đường cao tốc kết nối liên vùng như: cao tốc Tp.HCM - Trung Lương, Bến Lức - Long Thành, Đức Hoà - Chơn Thành đang gấp rút thi công. Đặc biệt tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài đóng vai trò là trục kết nối vùng biên giới Tây Nam với vùng lõi kinh tế phía Nam sẽ được khởi công trong tháng 9 tới đây và dự kiến thông xe vào năm 2027. Trong tương lai, cao tốc Mộc Bài - Tp.HCM sẽ tiếp tục được kéo dài hòa vào trục xuyên Á, mở ra hành lang thương mại Campuchia - Việt Nam - cảng biển quốc tế.

Ngoài ra, tỉnh Tây Ninh mới đang tập trung đầu tư hệ thống giao thông nội tỉnh. Việc mở rộng, nâng cấp các tuyến đường tỉnh lộ như QL50, QL62, QL1A, QL22, 827E, 830C, 823D, xây dựng các cây cầu... tạo ra hệ thống giao thông liền mạch, dễ dàng kết nối phía Tây với các khu vực khác của TP.HCM. 

Sau nhà phố, biệt thự đến lượt đất nền phía Tây TPHCM chạy đua bung hàng, cả thị trường địa ốc đang sợ lỡ nhịp “sóng” mạnh nhất năm 2025?

Cả thị trường bất động sản đang sợ lỡ nhịp “sóng” mạnh nhất năm 2025, bao gồm cả sóng quy hoạch và hạ tầng. Ảnh: Minh hoạ

Sau sáp nhập, tỉnh Tây Ninh mới vẫn sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông. Hiện 2 địa phương đã phối hợp làm việc bước đầu để thống nhất định hướng phát triển hệ thống giao thông liên vùng, hướng đến mục tiêu hình thành một mạng lưới hạ tầng đồng bộ, có khả năng kết nối nhanh chóng với Tp.HCM và các khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Từng nhận định về thị trường Long An, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc nhà ở CBRE Việt Nam cho rằng, việc đa dạng về nguồn cung, giá bán cũng như hạ tầng kết nối thuận tiện đã thúc đẩy nhu cầu người mua dồn về khu đô thị vệ tinh. Một số khu vực trở thành thị trường thay thế nguồn cung cho Tp.HCM suốt thời gian dài.

Khi hỏi về thanh khoản thị trường phía Tây Tp.HCM trong 6 tháng tới, chuyên gia CBRE Việt Nam cho hay: "Mức độ hấp thụ của thị trường đến đâu, cụ thể ra sao còn phải quan sát thêm. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, thị trường nhà ở phía Tây Tp.HCM trong các quý tiếp theo sẽ sôi động".